Kinh nghiệm du lịch trại rắn Đồng Tâm Tiền Giang từ A-Z

Nếu bạn muốn tìm sự mới lạ khi du lịch Tiền Giang thì hãy mạnh dạn tới với trại rắn Đồng Tâm. Trong bài viết này, Vietnam24hr sẽ cập nhật chi tiết thông tin du lịch trại rắn Đồng Tâm cho bạn tham khảo để có một chuyến đi thú vị.

Giới thiệu trại rắn Đồng Tâm Tiền Giang

Trại rắn Đồng Tâm là trang trại rắn lớn nhất ở Việt Nam. Trang trại được xây dựng vào năm 1979. Rắn ở đây được nuôi để lấy nọc phục vụ nhu cầu điều trị trong nước và xuất khẩu với hơn 50 loài rắn độc khác nhau.

Tới đây, bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng từ những loài rắn hiền lành không độc, đến các loài rắn cực độc. Rắn tại đây được nuôi thả tự do, gồm 3 khu vực phù hợp với tính chất mỗi loài: khu vực nuôi theo kiểu đảo hồ nước, khu vực nuôi rắn độc và khu vực nuôi trăn.

Mục đích của trại rắn Đồng Tâm là nuôi rắn lấy nọc sản xuất huyết thanh, kết hợp trồng cây dược liệu, và bảo tồn những loài động vật hoang dã khác như cá sấu, ba ba vàng, gấu, mèo rừng… Đặc biệt, đây còn là nơi chữa trị rắn cắn rất hữu hiệu cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận. Cụ thể về lịch sử phát triển:

  • Từ năm 1977 tới 1998 đây được xây dựng là nơi cấp cứu và trị rắn độc cắn
  • Năm 2008 trở về trước, trung bình hàng năm trại rắn Đồng Tâm điều trị 800 ca bị rắn độc cắn
  • Từ năm 2009 đến nay, trung bình chữa trị 1.000 ca/năm.

Giờ mở cửa, giá vé vào trại rắn Đồng Tâm Tiền Giang

Trại rắn Đồng Tâm mở cửa cho khách đến tham quan từ 7h đến 17h hàng ngày. Giá vé là 30.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em 6 – 12 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí vé vào. Trại rắn Đồng Tâm được xây dựng với mục đích nuôi rắn lấy nọc để sản xuất các loại huyết thanh đồng thời chữa trị rắn cắn cho người dân các vùng lân cận.

Khách tới tham quan có thể xem rắn độc và nghe chuyên gia hướng dẫn cách phòng tránh. Ngoài ra, trang trại còn có một bệnh xá nhỏ chuyên điều trị cho bệnh nhân bị rắn độc cắn, giúp cứu sống hàng nghìn người mỗi năm.

  • Giờ mở cửa: 7h00 – 17h00 hàng ngày
  • Giá vé trại rắn Đồng Tâm: Người lớn 30.000 đồng/ trẻ em 20.000 đồng

Hướng dẫn đường đi tới trại rắn Đồng Tâm

Địa chỉ trại rắn Đồng Tâm thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 9km về phía tây.

+ Từ thành phố Mỹ Tho, bạn đi theo đường Lê thị Hồng Gấm về hướng cầu Rạch Miễu sẽ thấy bảng chỉ dẫn cụ thể đến trại rắn Đồng Tâm.

***Chú ý: Số điện thoại trại rắn Đồng Tâm : (073) 3853.204 – 3853.205

Du lịch trại rắn Đồng Tâm Tiền Giang có gì thú vị?

Hiện nay ở trại rắn Đồng Tâm có nuôi hàng nghìn cá thể rắn độc đáo từ những loài lành tính cho tới cực độc phân bổ trong 3 khu khác nhau:

– Khu hồ nước: Bản chất khu này là nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước với bốn bề xây tường cao ngang ngực người lớn, có một cửa ra vào. Bên trong, đáy hồ sâu khoảng 30 – 40cm, xăm xắp nước. Giữa hồ là tiểu đảo, có mấy chòm cây xanh cao ngang tường hồ, trên chòm cây là cả đám rắn quấn lấy nhau đông đúc. Khu này nuôi các loài rắn điển hình như rắn nước, rắn gáo, rắn ri cá…

– Khu nuôi rắn độc: như rắn hổ ngựa, cạp nong, cạp nia… đặc biệt là hổ mang chúa (rắn hổ mây) cực độc, được xếp bậc E trong sách đỏ Việt Nam. Chúng được nuôi trong những chiếc chuồng riêng biệt, bên trong mô phỏng các hang hốc làm chổ ẩn nấp, mặt ngoài được che chắn cẩn thận chỉ vừa đủ để khách ngắm nhìn mà không gây nguy hiểm.

– Khu nuôi trăn ở trại rắn Đồng Tâm: Khu này thì được đặt trong nhà lồng có mái che, bên trong là các dãy lồng sắt, cao đến ngang hông, sàn bằng gỗ, mỗi lồng là từng chú trăn riêng biệt đang nằm cuộn tròn với kích thước dễ sợ… và vui mắt là có loài trăn lại cuộn tròn trong các chậu hoa cỡ lớn thay vì nằm trên mặt sàn gỗ công nghiệp, khoe các hoa văn rằn ri uốn lượn. Loài trăn thì có vẻ im lìm, chỉ trừ lúc được cho ăn.

Lưu ý:

  • Nếu đến đúng dịp, du khách có thể tận mắt quan sát các chuyên gia lấy nọc rắn để sản xuất thuốc
  • Trại rắn Đồng Tâm còn có nhà bảo tàng, nơi trưng bày hơn 50 tiêu bản của các loài rắn quý hiếm.
  • Đặc biệt, đến tham quan trại rắn Đồng Tâm, du khách còn có dịp chụp ảnh với một vài chú trăn “khủng” quấn quanh người.

Được đóng lại.