Những làng nghề truyền thống Đà Nẵng bạn nên ghé thăm ngay
Đà Nẵng không chỉ thu hút du khách nhờ cảnh đẹp, khí hậu thoáng mát trong lành mà còn hấp dẫn du khách bởi những làng nghề truyền thống lâu đời. Cùng Vietnam24hr khám phá những làng nghề truyền thống Đà Nẵng ngay qua bài viết dưới đây nhé.
Những làng nghề truyền thống Đà Nẵng bạn nên ghé thăm ngay
1. Làng đá mỹ nghệ Non Nước
Có lẽ không ai đến Ngũ Hành Sơn mà lại không ghé thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước. Làng được hình thành vào thế kỷ 18 do nghệ nhân người Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát khai phá. Sang thế kỷ 19 thì cả làng đều sinh sống bằng nghề này.
Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi đây, các tác phẩm nghệ thuật đầy tinh xảo đã được ra đời và theo chân du khách đi khắp cả nước, đến các nước như Pháp, Mỹ, Úc… Ở Non Nước, sản phẩm mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch khá phong phú như: tượng Phật, tượng thánh, tượng người, tượng muông thú, vòng đá đeo tay đầy màu sắc chạm trổ tinh xảo, công phu…
Đến làng đá Non Nước, du khách sẽ chọn được những món quà lưu niệm có giá trị và đặc sắc, được mài dũa hết sức công phu bởi những nghệ nhân lành nghề, từ những mặt đá nhỏ xíu đến những bức tượng nặng hàng chục tấn. Mặc dù có rất nhiều làng nghề điêu khắc đá truyền thống nhưng có thể nói chỉ có làng nghề Non Nước mới thực sự đưa nghề thủ công độc đáo này đến gần với du khách nhất, và mở rộng danh tiếng từ trong nước ra đến bạn bè quốc tế.
2. Làng nghề nước mắm Nam Ô
Làng nghề nước mắm Nam Ô là làng nghề truyền thống Đà Nẵng được hình thành đầu thế kỷ XX. Từ lâu, tiếng thơm làng nghề nước mắm Nam Ô từ lâu đã được người sành ăn trong Nam, ngoài Bắc biết đến. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu mắm Nam Ô, có lẽ chính là nằm ở công thức chế biến. Mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than, đánh bắt vào tháng ba âm lịch, vì có độ đạm rất cao. Ngoài ra, chum muối cá phải bằng gỗ mít, dưới đáy chum phải chèn sạn, chổi đót và phải lọc nước mắm bằng chuộc mới đảm bảo nước mắm tinh chất, thơm đậm.
Trước kia, Nam Ô vốn là làng một chài đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân, nay thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đến tham quan quan Nam Ô, du khách không chỉ được xem quy trình chế biến ra loại nước mắm nổi tiếng này mà còn có thể mua vài chai nước mắm về làm quà cho người thân và bạn bè.
3. Làng nghề bánh tráng Túy Loan
Làng nghề Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang nổi tiếng với nghề làm bánh tráng và mì Quảng. Làng nghề truyền thống Đà Nẵng này đã tồn tại gần 200 năm. Sản phẩm chính của làng là bánh tráng nướng, có hình tròn đường kính khoảng 50cm, dày hơn các loại bánh tráng ở nơi khác và chất lượng của bánh được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo các cụ cao niên trong làng, bánh tráng người dân làm ra được trân trọng đến mức luôn là món không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên dịp nhà có cúng giỗ. Phong tục cứ thế truyền đời, người dân làng Túy Loan đặt cúng bánh tráng để tưởng nhớ, trân trọng một nghề truyền thống của làng. Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà nó còn theo chân du khách, bạn bè bốn phương và trở thành một đặc sản của Đà Nẵng.
4. Làng chiếu Cẩm Nê
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 14km về phía Tây Nam, làng chiếu Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Làng nằm giữa một vùng đồng bằng do phù sa dòng sông Cẩm Lệ bồi tạo nên và nơi đây nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống từ nhiều đời.
Với bàn tay khéo léo và tài hoa của người dân trong vùng, nghề chiếu Cẩm Nê ngày càng trở nên tinh xảo, từ đó tiếng tăm vang xa… Nhờ vậy, nghề chiếu ở Cẩm Nê hưng thịnh xuyên qua nhiều thế kỷ. Đến làng chiếu Cẩm Nê, du khách có xem những nghệ nhân trình diễn dệt chiếu và còn được hướng dẫn cách dệt nên một tấm chiếu hoàn toàn bằng thủ công.
5. Làng nghề bánh khô mè Cẩm Lệ
Làng Cẩm Lệ thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Bánh khô là đặc sản của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng có lẽ bánh khô mè sản xuất tại làng Cẩm Lệ là nổi tiếng thơm ngon hơn cả.
Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng, và mè. Bột gạo pha với bột nếp được cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, “tắm” đường, “tắm” mè… Bánh tắm bằng nếp rang gọi là bánh khô nổ, tắm bằng mè thì gọi là bánh khô mè. Bánh ngon có ruột xốp dòn, đường dẻo, mè rang đủ độ chín thơm, lúc bẻ đường kéo thành sợi tơ vàng mảnh.
Làng nghề truyền thống Đà Nẵng này được lưu giữ và truyền đạt qua các lớp con cháu trong vùng. Chính vì thế mà dù đi qua ngàn năm, những thế hệ khác nhau nhưng những chiếc bánh khô mè vẫn giữ nguyên được hình ảnh và hương vị của nó trong lòng người thưởng thức.
Được đóng lại.