Khám phá tinh hoa văn hóa dân tộc qua mộc bản triều Nguyễn ở Huế

Mộc bản triều Nguyễn ở Huế là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm trong kho tàng lịch sử văn hóa dân tộc. Mộc bản bản triều Nguyễn ở Huế được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của nước ta vào ngày 31-7-2009.

 

Khám phá tinh hoa văn hóa dân tộc qua mộc bản triều Nguyễn ở Huế

Mộc bản là những ván gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược để in sách được dùng trong thời kỳ phong kiến. Mộc bản Triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác; là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn, khắc in.

Mộc Bản Triều Nguyễn.
Mộc Bản Triều Nguyễn.

Khối Mộc bản được tạm chia thành hơn 100 đầu sách với nhiều chủ đề: lịch sử, địa lý, chính trị – xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa – giáo dục, tôn giáo – tư tưởng – triết học, ngôn ngữ – văn tự; văn thơ. Đây là nguồn sử liệu tin cậy, nguyên vẹn để khảo cứu, đối chiếu, phục vụ cho việc nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực.

Lịch sử hình thành

Sau khi thành lập chính quyền, các vua Nguyễn đã đặc biệt chú trọng đến việc biên soạn lịch sử, bởi thông qua sử học có thể ổn định xã hội, cố kết nhân tâm, từ đó củng cố vai trò dòng tộc cũng như vị trí độc tôn của triều đình.

Năm 1811, vua Gia Long cho thành lập Sử cục, cơ quan tiền thân của Quốc Sử quán. Đến năm 1820, sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng xuống chiếu cho tìm tài liệu còn sót lại và thành lập Quốc Sử quán. Cơ quan này được giao nhiệm vụ biên soạn, khắc in và bảo quản các bộ chính sử, chính văn của triều đình.

Trong hơn 100 năm tồn tại, Quốc Sử quán đã biên soạn được nhiều bộ sách có giá trị như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Minh Mệnh chính yếu…

Ngoài Quốc Sử quán còn có một cơ quan đã trước thuật được nhiều công trình, xứng đáng xếp vào thành tựu của nền sử học nước nhà, đó là Nội các, được thành lập vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829).

Việc biên soạn và khắc in Mộc bản được các đời vua rất xem trọng, nhằm lưu truyền chính sử, chính sách, pháp luật của triều đình nhà Nguyễn đến với dân chúng.

Giá trị trường tồn của Mộc bản triều Nguyễn

Biểu trưng của một vương triều

Bản khắc Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ.

Trên thế giới hiếm có Mộc bản là những bộ chính văn, chính sử do triều đình tổ chức biên soạn, khắc in như Mộc bản Triều Nguyễn, đây là khối tài liệu mang tính biểu trưng của một vương triều. Mỗi tác phẩm từ khi biên soạn cho đến khi khắc in đều phải theo mệnh lệnh của vua.

Khác với những khối Mộc bản tồn tại cùng thời kỳ, Mộc bản Hoàng triều được sản sinh theo quy trình nghiêm ngặt, cẩn trọng và luôn được bảo quản trong điều kiện tốt nhất của triều đình.

Nghệ thuật khắc in điêu luyện

Về kỹ thuật khắc in Mộc bản Triều Nguyễn, nhiều nhà nghiên cứu và du khách đã phải thốt lên rằng mỗi bản khắc là một tác phẩm nghệ thuật cực kỳ điêu luyện bởi những nét chữ sắc sảo, uyển chuyển, đều đặn hiện lên trên thớ gỗ như họa bút của các bậc danh gia thư pháp đương thời.

Đỉnh cao của kỹ thuật chế tác Mộc bản chính là nghệ thuật khắc họa chi tiết từng đường nét rồng bay, phượng múa, hoa văn, họa tiết, bản đồ, họa đồ và hình ấn triện của nhà vua. Như vậy, có thể thấy rằng, Mộc bản Triều Nguyễn có tính mỹ thuật rất cao, là đối tượng nghiên cứu không thể bỏ qua của nghệ thuật thư pháp, hội họa và điêu khắc.

Nguồn sử liệu vô giá

Trong bộ Mộc bản Triều Nguyễn, có rất nhiều sách quý, đặc biệt là những bộ quốc sử được triều đình biên soạn hết sức công phu, có giá trị lớn, chứa đựng nhiều thông tin chân thực về thời cuộc. Mộc bản vừa phong phú, chuẩn xác về nội dung, vừa đa dạng về nguồn gốc xuất xứ.

Ngày nay, khi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội thời cổ đại, trung đại và cận đại, các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa trên những tài liệu còn lưu giữ: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam nhất thống chí… Các bộ sách này đều được in từ khối Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới.

Mộc bản triều Nguyễn đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mộc bản có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội. Đây là bằng chứng xác thực nhất để cho cả thế giới biết Việt Nam có từ bao giờ, quá trình ấy cũng là quá trình mà dân tộc ta dần dần hoàn thiện mình và đóng góp cho lịch sử nhân loại.

Bản dập Đại Nam Nhất Thống Chí.

Không thể phủ nhận, Mộc bản triều Nguyễn là những chứng tích về nền văn hiến truyền thống, phản ánh nhiều phương diện của xã hội dưới triều Nguyễn. Ngoài ra, Mộc bản còn lưu giữ nhiều bản đồ địa lý Việt Nam, về các đảo và quần đảo ở biển Đông, biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Những điều này đã chứng minh giá trị to lớn của tài liệu Mộc bản đối với Việt Nam và cả quốc tế.

Được đóng lại.