Cung điện Gyeongbokgung – Điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hàn Quốc

0

Cung điện Gyeongbokgung còn được gọi là Cung Cảnh Phúc, là cung điện lớn nhất trong 5 cung điện của triều đại Triều Tiên. Ngày nay, đây là một địa điểm du lịch Hàn Quốc mà du khách không thể bỏ qua khi đến xứ sở kim chi.

Giới thiệu Cung điện Gyeongbokgung

Cung điện Gyeongbokgung hay Cảnh Phúc Cung là cung điện đầu tiên và lớn nhất trong số các cung điện hoàng gia được xây dựng trong triều đại Joseon. Được xây dựng vào năm 1395, Cung điện Gyeongbokgung cũng thường được gọi là Cung điện phía Bắc vì vị trí của nó nằm ở phía bắc xa nhất khi so sánh với các cung điện lân cận như cung điện Changdeokgung (Cung điện phía Đông) và cung điện Gyeonghuigung (Cung điện phía Tây).

Cung điện Gyeongbokgung được khởi công năm 1394 dưới thời Triều Tiên Thái Tổ. Khai quốc công thần Trịnh Đạo Truyền được vinh dự đặt tên và chọn “Cảnh Phúc”. Dưới hai triều kế tiếp Thái Tông và Thế Tông cung Cảnh Phúc càng được tô điểm và nới rộng. Năm 1553 cung bị hỏa hoạn, cháy mất một phần nhưng được vua Minh Tông cho sửa chữa.

Cung điện Gyeongbokgung chiếm vị thế trên khoảnh đất rộng và bằng phẳng theo quy hoạch làm nơi thiết triều chính của vua chúa Triều Tiên. Quy mô ở đây là biểu tượng cho quyền lực phong kiến của vương triều.

Khi Nhật Bản xâm lăng Triều Tiên vào cuối thế kỷ 16, cung Cảnh Phúc bị phá hủy hoàn toàn. Triều đình Triều Tiên phải dùng Xương Đức cung trong suốt 270 năm cho đến khi Cảnh Phúc Cung được xây lại vào năm 1868. Ngày 8/10/1895, Hoàng hậu Minh Thành bị ám sát tại Cảnh Phúc Cung; Triều Tiên Cao Tông cùng hoàng gia phải bỏ cung Cảnh Phúc và không bao giờ trở lại đó nữa vì sau đó Triều Tiên bị Nhật Bản thôn tính và cung Cảnh Phúc không còn làm nơi triều chính nữa.

Cung điện ngày nay phần lớn được phục dựng bắt đầu từ năm 1995. Năm 2005, chính phủ cho chuyển Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc vào cung Cảnh Phúc, giúp việc bảo tồn cho cung điện này.

Kiến trúc Cung điện Gyeongbokgung

Cung điện Gyeongbokgung là công trình tiêu biểu cho nền nghệ thuật kiến trúc phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Đối với người Hàn thì đây là một nét son về mặt lịch sử nơi vua chúa Triều Tiên thiết triều. Về mặt mỹ thuật thì đây cũng là cung điện đồ sộ nhất Hàn Quốc.

Quy hoạch của cung điện Gyeongbokgung bao gồm các khu hoạt động triều chính, khu sinh hoạt và nghỉ ngơi. Cung Cảnh Phúc gồm các khu vực chính sau: Cần Chính Điện,  Khánh Hội Lâu, Quảng Hòa Môn, Khang Ninh Điện, Giao Thái Điện. Trục chính của cung điện là Quảng Hòa Môn và Điện Cần Chính. Các khu vực khác được xây bất đối xứng, tạo nên sự hài hòa thống nhất và phân cấp rõ ràng.
Điện Cần Chính, nơi có ngai vàng của vua và là nơi thiết triều, nơi diễn ra các hoạt động chính thức của triều đình, đây cũng là nơi vua đón tiếp các sứ thần ngoại bang. Cần Chính Điện là điện lớn nhất và cao nhất trong quần thể kiến trúc của cung điện Gyeongbokgung.
Lầu Khánh Hội tọa lạc trên một ao sen nhân tạo, bên cạnh hòn giả sơn có tên là Mansesan, đây là một trong những nơi đẹp nhất trong cung điện Gyeongbokgung và được lên phim ảnh như là biểu tượng của cung điện. Nơi đây thường được dùng làm nơi diễn ra các buổi yến tiệc thết đãi sứ thần ngoại bang hoặc các buổi đàn ca.

Lầu Khánh Hội là một kiến trúc hai tầng, tầng 1 được dựng lên bằng 48 cột đá, trang trí bằng các hình rồng và hoa. Đây là nơi dành cho các quan có phẩm hàm thấp tham dự các buổi yến tiệc. Vua và các quan lại có phẩm hàm cao sẽ ngồi ở tầng hai.

Lầu Khánh Hội nằm bên trái cung điện Gyeongbokgung theo hướng nhìn từ cổng Gwanghwamun – Quảng Hòa Môn vào.
Cổng Quảng Hòa là cổng chính của cung điện Gyeonbokgung, ở phía Nam. Cổng Quảng Hòa được thiết kế với lớp mái hai tầng và 3 cửa tò vò, trong đó, cửa chính giữa và cao nhất là lối đi dành cho vua, và các cửa ở hai bên dành cho các quan lại. Trên mái có treo một quả chuông dùng để thông báo thời gian trong ngày. Phía ngoài cổng là Lục Bộ Lộ – Con đường có 6 Bộ, đại diện cho 6 cơ quan trong cơ cấu chính quyền thời Joseon, ngày nay là đại lộ Sejong.
Điện Khang Ninh là nơi nghỉ ngơi của vua. Khu nhà này rộng 9 gian với gian chính điện rất rộng nằm chính giữa, các gian nhỏ có hệ thống sưởi sàn Ondol nằm ở hai bên, sàn lát ván gỗ, trước mặt là bậc đá xếp cao. Vua nghỉ ngơi ở gian chính điện.

Điện Giao Thái là nơi nghỉ ngơi của hoàng hậu. Trong tiếng Hán, Giao Thái có nghĩa là sinh sôi, nảy nở. Phía sau điện có một khu vườn nhỏ rất đẹp tên là Amisan với các cột hình lục giác tô điểm bằng các hình lân phượng, chim chóc và hoa lá. Tương truyền rằng đất để nung những viên gạch xây nên cột này được lấy từ ao nơi có Lầu Khánh Hội đề cập bên trên.

Bảo tàng Cố cung Quốc gia là nơi lưu trữ và tôn vinh văn hóa hoàng cung thời Joseon. Bảo tàng được chia làm 5 khu vực chính: Các bản ghi và biểu tượng hoàng cung, Các hoạt động tôn giáo, Kiến trúc hoàng cung, Khoa học thời Joseon và Cuộc sống hoàng cung.

Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc nằm trong khuôn viên của cung điện Gyeongbokgung, là nơi trưng bày các vật dụng trong đời sống hàng ngày và văn hóa dân gian của người Hàn Quốc từ thời cổ đại đến nay.

Gyeongbokgung kết hợp hài hòa giữa bàn tay con người và thiên nhiên. Khuôn viên vườn cảnh có đình tạ, có hoa cỏ cắt tỉa công phu điển hình cho nghệ thuật vườn cảnh Hàn Quốc. Ngày nay, các nghi lễ diễu binh của ngự lâm quân diễn ra hằng ngày ở cung Cảnh Phúc để diễn lại phần nào phong cảnh huy hoàng của các triều đại vua chúa ngày xưa.

Cung Cảnh Phúc thu hút du khách không hẳn vì quy mô kiến trúc mà có lẽ chủ yếu vì khu vườn thượng uyển có tiếng là đẹp. Dân địa phương và du khách thường lui tới đây thỏa mắt ngắm cảnh và nghỉ ngơi.

Đường đi đến cung điện Gyeongbokgung

Địa chỉ cung điện Gyeongbokgung tọa lạc tại số 161, Sajik-ro, Jongno-gu, thành phố Seoul.

Có 3 cách để bạn đến cung điện Gyeongbokgung là đi bằng xe búyt, tàu điện ngầm hoặc xe taxi.

  • Nếu đi xe búyt bạn có thể bắt các tuyến xe số 1020, 7025,109, 171, 172, 601, 606 và xuống thẳng tại trạm cung điện Gyeongbokgung. Hoặc bắt xe số 11 và dừng tại trạm bảo tàng dân gian quốc gia Hàn Quốc cũng có thể đến cung điện Gyeongbokgung.
  • Nếu đi tàu điện ngầm thì bạn đến ga Gyeongbokgung xuống cổng số 5 hoặc ga Anguk ra cổng số 1.
  • Tiện nhất vẫn là đi taxi nhưng chi phí sẽ cao hơn.

Thời gian hoạt động

Thời gian mở cửa ở đây hơi phức tạp tí vì nó còn phù thuộc vào từng tháng chắc vì đó là mùa du lịch, du khách đông nên sẽ mở cửa lâu hơn nên tốt nhất là nên sắp xếp tham quan cung điện Gyeongbokgung vào buổi sáng là sẽ không sợ bị lố giờ check in. Với dù sao Gyeongbokgung cũng rất rộng lớn nên tranh thủ đi sớm và ban ngày chụp cảnh sẽ đẹp hơn.

Lịch check in cụ thể như sau:

Từ tháng 1 – tháng 2: từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (nhận check in lần cuối lúc 4 giờ chiều)

Mùa xuân từ tháng 3 – tháng 5: từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối (nhận check in lần cuối lúc 5 giờ chiều)

Các tháng 6, 7, 8: từ 9 giờ sáng đến 6 giờ 30 tối (nhận check in lần cuối lúc 5 giờ 30 chiều)

Mùa thu từ tháng 9 – tháng 10: từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối (nhận check in lần cuối lúc 5 giờ chiều)

Tháng 11 – tháng 12: từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (nhận check in lần cuối lúc 2 giờ chiều)

* Giờ làm việc có thể thay đổi tùy theo điều kiện hoặc hoàn cảnh.

Lưu ý là cung điện Gyeongbokgung đóng cửa vào thứ ba hàng tuần nhé. Ngoài ra, vào các khung giờ 11 giờ trưa, 1 và 3 giờ 30 chiều sẽ có hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng Anh miễn phí cho các bạn. Còn nếu ai muốn xem nghi thức gác cổng thì có thể xem vào khung giờ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều, mỗi tiếng diễn ra một lần.

Giá vé

Phí vô cửa ở đây khá rẻ nên các bạn không cần lo lắng, chỉ nhớ thủ sẵn tiền Hàn để tiện thanh toán thôi. Với vé vào cổng dành cho người lớn (tuổi từ 19-64) là 3.000 won tương đương khoảng 60 nghìn vnd (rẻ quá nhỉ). Nếu đi nhóm (10 người trở lên)thì chỉ còn 2.400 won tức 48 nghìn tiền Việt. Trẻ em (tuổi từ 7-18): 1.500 won ~ 30k vnd / Nhóm (10 người trở lên): 1.200 won (24k vnd).

Đặc biệt là: Trẻ mẫu giáo (từ 6 tuổi trở xuống), người cao niên (từ 65 tuổi trở lên), người mặc hanbok, ngày thứ tư cuối cùng của mỗi tháng (Ngày văn hóa) sẽ được miễn phí vé. Nên là bạn nào có Hanbok thì diện lên đây chụp hình vừa đẹp vừa tiết kiệm được chi phí, mỗi tội hơi nóng xí thôi.

Ngoài ra thì cũng có cả phí đỗ xe như sau:

  • Hai giờ đầu tiên: Xe nhỏ 3.000 won / Xe lớn 5.000 won (cũng không biết xe nhỏ, xe lớn là sao vì mình toàn đi bằng phương tiện công cộng như xe buýt hay taxi)
  • 800 won cho mỗi 10 phút thêm
  • Miễn phí cho xe rời đi trong vòng 30 phút
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.