Khám phá Miếu Bà Phi Yến Côn Đảo – Ngôi miếu linh thiêng, bí ẩn

0

Miếu bà Phi Yến Côn Đảo (An Sơn Miếu) là một điểm du lịch nổi tiếng mà mỗi du khách khi tới Côn Đảo đều không thể bỏ qua. Hãy cùng Vietnam24hr.com khám phá ngôi miếu linh thiêng, bí ẩn này ngay qua bài viết dưới đây nhé.

Giới thiệu về miếu Bà Phi Yến Côn Đảo

Miếu Bà Phi Yến Côn Đảo còn có tên gọi khác là An Sơn miếu, nằm cách trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 2km về phía Tây Nam, nằm trên đường Hoàng Phi Yến, thuộc khu dân cư số 3. Từ trung tâm thị trấn, du khách đi thẳng theo đường chính Nguyễn Huệ, đến ngã ba thì rẽ phải, đi dọc theo đường bờ hồ An Hải một đoạn khoảng 700 – 800m sẽ đến được miếu Bà Phi Yến.

Không gian tại miếu rất thoáng đãng, rộng rãi và mát mẻ bởi những hàng cây tỏa bóng mát phủ khắp. Trước miếu có cổng chào. Khi bước chân vào miếu, chúng ta sẽ bắt gặp ngay tượng hai chú sư tử oai phong như đứng bảo vệ ngôi miếu.

Bên cạnh là một hồ cá nhỏ với những chú cá đủ màu sắc. Bước chân vào trong miếu Bà, một không khí yên tĩnh và thành kính bao trùm. Du khách sẽ cảm nhận được đâu đó một sự trang nghiêm và linh thiêng tại nơi này. Bạn đừng quên thắp một nén nhang và thầm cầu nguyện những mong ước, những điều còn trăn trở trong lòng.

Truyền thuyết miếu Bà Phi Yến Côn Đảo

Truyền thuyết kể rằng Bà Phi Yến là thứ phi của vua Nguyễn Ánh. Vào năm 1973, sau khi thất thế trước quân Tây Sơn , Nguyễn Ánh đã mang theo vợ con và gia quyến lánh nạn ở đảo Côn Sơn. Tại đây, Nguyễn Ánh cùng những người dân chài đã lập nên 3 làng: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Nguyễn Ánh có ý định đưa con của mình là Hoàng tử Cải đi theo Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện quân Pháp giúp Nguyễn Ánh lật đổ quân Tây Sơn. Thay vào đó, nhà Nguyễn sẽ nhường cho Pháp chủ quyền cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Đảo.

Thấy vậy, Bà Phi Yến đã can ngăn việc bán nước cầu vinh, cõng rắn cắn gà nhà của Nguyễn Ánh. Bà nói: “Việc đánh nhau với Tây Sơn ta có thể coi như việc trong nhà, chúa công nên dùng nghĩa binh trong xứ thì hơn, bệ hạ mà nhờ sức mạnh của người ngoài về giải quyết vấn đề nội bộ dù ta có thắng Tây Sơn chăng nữa, cái thắng ấy cũng chẳng vẻ vang, thiếp e còn có lắm điều rắc rối tai tiếng về sau”.

Chỉ bấy nhiêu lời của Bà Phi Yến đã làm Nguyễn Ánh tức giận, nghĩ bà thông đồng với quân Tây Sơn nên đã định giết bà. Nhờ quần thần can ngăn, Nguyễn Ánh đã nhốt Bà vào một hang đá trên một hòn đảo vắng (hòn đảo này về sau còn gọi là Hòn Bà). Khi nghe tin quân Tây Sơn sắp ra đến Côn Đảo, Nguyễn Ánh đã lên thuyền bỏ chạy.

Con Bà Phi Yến là Hoàng tử Cải khi ấy mới 4 tuổi đã khóc lóc đòi mẹ đi cùng. Nguyễn Ánh nghĩ Hoàng tử Cải bụng dạ rồi cũng giống mẹ nên đã nhẫn tâm ném Hoàng tử Cải xuống biển. Xác hoàng tử trôi vào bãi biển Cỏ Ống và đã được dân làng chôn cất.

Về Bà Phi Yến, sau khi bị giam cầm ở đảo hoang, Bà đã được một con vượn bạch và một con hắc hổ giải thoát, đưa bà về bên mộ của Hoàng tử Cải. Người dân trong làng Cỏ Ống đã dựng cho Bà một ngôi nhà khang trang gần mộ hoàng tử để bà ngày đêm chăm nom cho ngôi mộ. Vì vậy, dân gian có câu ca dao:

“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”

Một hôm, làng An Hải có cuộc đàn chay khá lớn. Vì muốn cuộc lễ phước thiện thêm phần long trọng, ban hội tề làng An Hải cử một bô lão làm đại diện và bốn dân phu qua tận làng Cỏ Ống để mời Bà Phi Yến. Khi đến nơi, người ta dọn sẵn cho bà một gian phòng đặc biệt để bà có chỗ nghỉ ngơi. Khi ấy, Bà Phi Yến mới 25 tuổi xuân, nhan sắc đang tươi thắm nên đã làm say lòng một tên đồ tể của làng An Hải là Biện Thi.

Miếu bà Phi Yến Côn Đảo1

Đêm đó, vì không ngăn nổi lòng tà dục nên Biện Thi đã lẻn vào buồng của Bà Phi Yến khi bà đang ngủ. Khi hắn chỉ vừa mới chạm đến cánh tay của Bà thì Bà đã tỉnh giấc và tri hô. Biện Thi đã bị dân làng tóm cổ. Còn Bà Phi Yến, tuy đã dứt tình với Nguyễn Ánh nhưng vì giữ vẹn mình trong sạch, Bà đã tự mình chặt đứt cánh tay dơ dáy ấy và nhờ một bà lão mang đi chôn. Thế nhưng Bà vẫn chưa thấy hết tủi nhục trong lòng. Ngay đêm hôm đó, thừa lúc mọi người không để ý, bà đã tự tử để vẹn toàn danh tiết.

Dân làng An Hải đã lo việc an táng và lập miếu thờ Bà Phi Yến, còn gọi là An Sơn miếu. Sau đó, người dân truyền rằng Bà Phi Yến và Hoàng tử Cải đã hiển thánh, thường hiện về mách bảo cho dân làng biết điềm lành hay chuyện dữ sắp xảy ra. Đức Bà Phi Yến đã nêu cao tấm gương ái quốc, sáng suốt nhận định được quốc vận hậu lai.

Trước cảnh búa rìu sấm sét của vị chúa độc đoán, bà vẫn không chịu đồng lõa với những hành động có tội với lịch sử. Hoàng tử Cải tuy mới 4 tuổi nhưng đã tỏ ra là đứa con chí hiếu, thà chịu chết với mẹ hiền còn hơn là tham sống với người cha thô bạo.

Lễ giỗ hằng năm của Bà Phi Yến

Mỗi năm vào ngày 18 tháng 10 (Âm Lịch) là người dân trên đảo lại tổ chức lễ giỗ chay trang trọng để tưởng nhớ bà – một người phụ nữ trung trinh tiết liệt.

Miếu bà Phi Yến Côn Đảo

Đối với nhưng cư dân trên đảo, ngôi miếu thờ bà là địa điểm linh thiếng, nó gắn với câu chuyện đầy bi thương về người phụ nữ đức hạnh, tài sắc. Cái chết của bà đã làm dân làng cảm động mà lập một ngôi miếu. Vào năm 1861, thực dân Pháp sau khi chiếm lĩnh đảo đã dựng lên những trại tù vì thế mà ngôi miếu bị phá hủy, đổ nát.

Cho tới năm 1981, ngôi miếu đã được người dân phục dựng lại khang trang trên nền đất cũ. Và họ vẫn giữ truyền thống tổ chức lễ giỗ cho bà hàng năm. Mỗi lần tới Côn Đảo đúng dịp giỗ vị Thứ Phi này và tham gia lễ giỗ của bà cũng chính là được thưởng thức nét đẹp trong văn hóa đặc sắc của người dân Côn Đảo.

Ngôi miếu thờ bà Phi Yên (An Sơn Miếu) ở Côn Đảo chính là 1 trong những điểm đến thu hút số lượng khách du lịch lớn. Nó không chỉ mang 1 nét đẹp văn hóa của người dân bản địa mà đằng sau đó là cả 1 câu chuyện đầy bi thường về Bà Phi Yến.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.